Tin tức

Hãy cùng nhìn lại một năm 2019, chúng ta đã đối xử tốt hơn với môi trường như thế nào!

Năm 2019, chúng ta đã đối xử tốt hơn với môi trường, với hàng loạt chiến dịch, dự án, trào lưu của các cá nhân, tổ chức - những con người "dại khờ" với khát khao "lấp đầy" mảng xanh cho Trái đất.

Năm 2019 dần kết thúc, và khi nhìn lại, chúng ta bất ngờ nhận ra có thật nhiều trào lưu tích cực được lan toả trong suốt một năm vừa qua. Môi trường không còn là khái niệm nằm ngoài "luồng bận tâm" của con người như nhiều năm về trước. "Nói không với túi nylon", "Thử thách dọn rác", "Cuộc chiến trộm nhựa",... cùng hàng loạt dự án, triển lãm, hành trình, đã làm nên một "thời kỳ hoàng kim" của các hoạt động bảo vệ môi trường. 

Không thể phủ nhận, năm 2019, chúng ta đã đối xử tốt hơn với môi trường. "Anh hùng khí hậu" Hoàng Thị Minh Hồng đã từng chia sẻ, "Chưa bao giờ tôi thấy phong trào giảm nhựa tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ như thời gian qua. Không chỉ các tổ chức phi chính phủ, mà rất nhiều nhóm sinh viên, các nhóm start-ups, các doanh nghiệp, và cả các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán…) đã tự phát động chiến dịch giảm nhựa của riêng mình. Bởi lẽ đó, việc hưởng ứng của cả xã hội mới là điều kiện tiên quyết để Việt Nam giảm thiểu nhựa".

Hãy cùng nhìn lại một năm thật tuyệt vời được tạo nên bởi các cá nhân, tổ chức - những con người "dại khờ" với khát khao "lấp đầy" mảng xanh cho Trái đất.  

Tháng 1 - 3: Chiến dịch "Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ"

Chỉ trong vòng một tháng đầu năm 2019, hải quan Hong Kong đã bắt giữ số vảy tê tê kỷ lục – 8,3 tấn, cùng 1.000 ngà voi, tương đương khoảng 13.000 con tê tê và 500 con voi bị giết hại, cùng 40kg sừng tê giác. Tổng 2 lô hàng trị giá khoảng 207 tỉ VND và đều có đích đến là Việt Nam.

Nhận thấy vấn nạn mua bán sản phẩm từ động vật hoang dã chưa có dấu hiệu suy giảm, CHANGE - tổ chức xã hội dân sự, đã phối hợp cùng WildAid - tổ chức cứu trợ động vật hoang dã, mang đến một chiến dịch truyền thông đầy ý nghĩa mang tên "Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ", gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ tới cộng đồng. 

Được phát động tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM), chiến dịch lấy hình ảnh chủ đạo là tượng 3 loài động vật hoang dã nguy cấp, gồm tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà,... Các bức tượng động vật hoang dã nguy cấp đều quỳ gối trước tượng Phật với ánh mắt hết sức thảm thiết, đánh mạnh vào tâm lý người xem, như đang thỉnh cầu sự che chở do vấn nạn săn bắn ở mức báo động trong những năm gần đây. 

Hình ảnh tượng động vật hoang dã cúi mình trước Phật, cầu cứu sự giúp đỡ. Ảnh: CHANGE.

Suốt 5 năm qua, trong khuôn khổ chiến dịch, CHANGE và WildAid liên tiếp thực hiện hàng loạt hoạt động truyền thông khác, như "Chấm dứt sử dụng sừng tê giác", "Cứu tê tê" và "Nói không với ngà voi", góp phần giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam. 

Được biết, sau khi xuất hiện tại chùa Vĩnh Nghiêm vào ngày 28/1/2019, những bức tượng động vật hoang dã đã tiếp tục được đặt tại các chùa khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cho đến hết ngày 10/3/2019. 

Tháng 5: Thử thách dọn rác - #ChallengeForChange

 #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác được xem là một trong những trào lưu tích cực và thành công nhất trong giới trẻ. Lần đầu tiên, sự hào hứng và quyết tâm của thế hệ trẻ lại mang đến những thay đổi tích cực nhất định cho môi trường. 

#ChallengeForChange bắt nguồn từ một tài khoản Facebook có tên Byron Roman (sống tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ), sau khi anh đăng tải bức ảnh "before - after" (trước và sau) của một bãi rác kèm chia sẻ: "Đây là thử thách mới dành cho những thanh thiếu niên đang buồn chán đây. Hãy chụp ảnh một bãi đất nào đó có nhiều rác, sau đó chụp lại lần nữa khi bạn đã cải thiện nó và đăng lên mạng xã hội".

Từ đó, thử thách dọn rác ra đời và trở thành trào lưu được hưởng ứng đông đảo trên khắp thế giới. Hàng ngàn người từ khắp các quốc gia lớn nhỏ cùng chung tay trả lại vẻ ngoài vốn có của những nơi vô tình bị biến thành bãi rác bởi ý thức của con người.

Và tại Việt Nam, #ChallengeForChange chứng minh rằng "mình" không phải một trào lưu dấy lên cho vui rồi sớm vụt tắt, mà đây thực sự là cơ hội để người trẻ cùng giải cứu Trái đất và đem đến những tín hiệu đáng mừng về sự biến mất của những bãi rác. Internet giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý để kết nối mọi người và cũng là nơi khởi phát các trào lưu mang giá trị cộng đồng như thế này.

Giới trẻ hưởng ứng mãnh liệt với thử thách dọn rác.

#ChallengeForChange xuất hiện trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước, tập hợp nhiều lứa tuổi, tầng lớp, nghề nghiệp. Khi đứng trước vấn nạn chung, chúng ta không vô can. Mạng xã hội Facebook trở nên sôi động khi các nhóm tình nguyện lần lượt chia sẻ thành tích của mình.

100 người, độ tuổi từ 13-65, cùng hành động kêu gọi trả lại màu xanh cho bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Đây là nhóm xác lập kỷ lục một trong những phiên bản dọn rác đông vui nhất, với kết quả đáng kinh ngạc được ghi nhận ngay sau đó: 90% bãi rác khổng lồ chúng ta từng thấy ở núi và biển Sơn Trà đều đã được xử lý.

100 con người khác, đến từ Hà Nội, đã thu gom 1,6 tấn rác thải ở bãi bồi sông Hồng - khu vực mà có những hộ dân đã quen sống trong rác. Mưa lớn hay triều cường nhấn chìm nơi đây trong rác sinh hoạt, túi nylon, hộp xốp,...

Và còn rất nhiều những câu chuyện, hành trình khác mang thương hiệu #ChallengeForChange đã và đang hào hứng, nhiệt huyết và sôi nổi xung quanh chúng ta. Một trào lưu "kì lạ" nhất từ trước đến nay, vì cho đến bây giờ, nó chưa có dấu hiệu bị dập tắt. 

Tháng 6: Cuộc chiến trộm nhựa

Để góp phần lan toả thông điệp sống xanh đến với giới trẻ và cộng đồng, tháng 6/2019, Kenh14.vn đã chính thức phát động chiến dịch "WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa", với thông điệp chính: "Điều chỉnh thói quen nhỏ - tạo ra thay đổi lớn". 

Chiến dịch gồm chuỗi 30 thử thách (như "đừng dùng cốc nhựa dùng một lần", "mang túi vải đi khắp thế gian", "tủ lạnh không nylon", "tín đồ khẩu trang", "dọn rác cùng đồng bọn",...) nhằm thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người trẻ, được kỳ vọng tác động trực tiếp đến ý thức và nếp sống hàng ngày của cộng đồng. 

Mang trong mình tinh thần của các hiệp sĩ, bất bình trước tình trạng rác nhựa, Kẻ Trộm Nhựa WeDo bắt đầu tìm kiếm bạn đồng hành. Cùng nhau, những Kẻ Trộm Nhựa "hô biến" bãi rác, "xoá bỏ" ống hút, "tẩy chay" túi nilon, "đánh tráo" các món đồ dùng một lần thành túi vải, thìa đũa gỗ... Một cuộc chiến kéo dài trong 30 ngày được Kẻ Trộm Nhựa phát động mang tên #19020challenge. 190 to 0 là hành trình những Kẻ Trộm Nhựa kêu gọi mọi người từ giảm thiểu rác nhựa từ 190gr/ ngày thành con số 0.

Khi cuộc chiến kết thúc, các "chiến binh" sống xanh vẫn chưa dừng lại. Họ tiếp tục duy trì thói quen, hạn chế đồ nhựa dùng một lần, nói không với túi nylon. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn, khi "WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa" đã góp một tiếng nói nhỏ trên hành trình thay đổi thói quen và ý thức của cộng đồng.

"WeDo - Cuộc Chiến Trộm Nhựa" là chiến dịch mang thông điệp ý nghĩa: "Điều chỉnh thói quen nhỏ - tạo ra thay đổi lớn".

Tháng 7: Dự án "Loài Plastic"

"Loài Plastic" là dự án phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ được nhà văn trẻ Iris Cao và những người bạn thực hiện. Dự án được kết hợp hài hòa giữa cả 2 phương diện online và offline cũng như giữa nghệ thuật và công nghệ. Chính điều này đã giúp "Loài Plastic" có được sức lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng những người trẻ trong xã hội hiện đại.

Tại triển lãm, những "loài" rác thải nhựa phổ biến như túi nylon, khăn ướt, ly nhựa,... đều được tái hiện bằng những nét vẽ tinh tế của phần mềm đồ hoạ, khiến chúng từ những vật dụng vô tri thành những cá thể sống. Ngoài ra, nổi bật và đáng chú ý nhất phải kể đến những mô hình "Quái vật nhựa" được dựng 3D từ những vật dụng quen thuộc hàng ngày như ống hút, nắp ly, muỗng nhựa...

Thông qua buổi triễn lãm thú vị này, dự án "Loài Plastic" đã mang tới cho giới trẻ cách tiếp cận mới lạ, không hàn lâm khô cứng về vấn đề bảo vệ môi trường. 

Triển lãm "Loài Plastic" thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Tháng 6-7-8: Triển lãm "Hành tinh nhựa"

Từ ngày 21/6, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA giới thiệu triển lãm "Hành tinh nhựa", trưng bày 6 tác phẩm sắp đặt, điêu khắc, tương tác được xây dựng tỉ mỉ và công phu từ hàng vạn vật liệu nhựa đã qua sử dụng và được thu gom từ khắp mọi nơi trong thành phố Hà Nội.

Triển lãm mở ra những góc nhìn không giới hạn về cuộc sống, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người và giữa con người với chính bản thân mình, mà trong đó, nhựa là sự hiện hữu không thể chối bỏ. Ở "hành tinh nhựa", nhựa không còn là vật dụng bị bỏ đi, mà tự thân nó là một phát minh có thể từng được đánh giá là vĩ đại của nhân loại. Song, quá trình sử dụng thiếu ý thức của con người đã vô tình gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực đối với hệ sinh thái.

Người xem lắng nghe tiếng nước chảy qua đại dương ngập ngụa chai nhựa, cảm nhận từng chiếc găng tay nhựa đang ngăn cản chúng ta chạm đến với thiên nhiên, hay quan sát sự huỷ hoại, rất nhanh thôi, của hệ sinh thái. Các tác phẩm được đặt cạnh nhau tạo thành một thế giới nhựa nghệ thuật đầy màu sắc, nhưng gợi nhắc đến thế giới thực tại ngập tràn rác thải nhựa ở khắp mọi nơi.

Nhựa tràn lan khắp hành tinh, hiện diện trong sự sống mọi loại sinh vật, kể cả con người.

Triển lãm "Hành tinh nhựa" mang đến những trải nghiệm mới mẻ về bảo vệ môi trường.

Tháng 9: "Em bé không bóng bay" Nguyệt Linh

Nguyễn Nguyệt Linh, cô bé lớp 5 trường Marie Curie (Hà Nội) đã đại diện cho biết bao thế hệ nói lên tâm tư nguyện vọng về một buổi lễ khai giảng không bóng bay. Em đã mạnh dạn gửi bức thư của mình tới 40 trường học trên địa bàn, mong muốn mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa.

Trong thư, Nguyệt Linh truyền tải thông điệp nhỏ bé của bản thân, "Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển".

Sau khi thư được gửi đi, ngay lập tức đã có 5 trường học phản hồi. Đặc biệt, thầy Nguyễn Xuân Khang - vị hiệu trưởng đáng kính của trường Marie Curie nơi Nguyệt Linh đang theo học, đã vô cùng xúc động. 

"Thả bóng bay đã là thói quen từ lâu của nhiều trường học trên cả nước. Nếu không nhận được lá thư này, có lẽ nhiều trường học trong đó có Marie Curie cũng sẽ tổ chức lễ khai giảng hoành tráng và có thật nhiều bóng bay. Nhưng chắc chắn sau bức thư của trò Nguyệt Linh, sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường năm nay và cả những năm tiếp theo nữa. Thầy sẽ đặt tên cho Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là "Lễ khai giảng Nguyệt Linh" để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con" - thầy Nguyễn Xuân Khang viết.

Hãy cùng nhìn lại một năm 2019, chúng ta đã đối xử tốt hơn với môi trường như thế nào! - Ảnh 6.

Em bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5, trường Marie Curie.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã viết thư khen ngợi hành động bảo vệ môi trường của Nguyệt Linh. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các trường tổ chức khai giảng sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường để tạo không khí hứng khởi và bảo vệ môi trường.

Vào ngày lễ khai giảng năm 2019, nhiều trường học trên khắp cả nước đã cắt bỏ tiết mục thả bóng bay, thay vào đó, học sinh được tham gia các hoạt động có ý nghĩa khác.

Tạm kết

Rõ ràng, chúng ta sẽ không thể sống hạnh phúc trong một môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Hơn nữa, một ngày sẽ trở thành vô nghĩa khi không có sự tương tác với thế giới xung quanh, với nơi chúng ta sinh sống. Chỉ cần mỗi ngày một giờ, hơn 265 kg rác sẽ biến mất. 

Mọi con đường đến vinh quang đều bắt đầu từ một bước chân nhỏ bé. Mọi việc lớn đều bắt đầu từ hành động nhỏ. Mọi hành động nhỏ nhưng nhiều người làm đều có tác dụng lớn lao. Hãy hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần như túi nylon, chai nhựa, ống hút. Cuộc chiến với rác thải đã bắt đầu và chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Ngày mai sẽ đáng sống hơn nếu từ hôm nay, chúng ta hành động.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Điều phi thường nhỏ bé.

Đó là câu chuyện về những điều phi thường được tạo nên từ những con người bình thường, giản dị nhất. Chính những phép màu, những điều dẫu nhỏ bé nhưng phi thường này, càng khiến chúng ta thêm tin vào vẻ đẹp của cuộc sống, của lòng nhân ái, và của chính con người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2019 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn. Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2019 .

Hãy cùng nhìn lại một năm 2019, chúng ta đã đối xử tốt hơn với môi trường như thế nào! - Ảnh 8.
Tin khác